Nguy cơ thất thoát ngoại tệ

3625

Với tư cách là đơn vị duy nhất tại Việt Nam hợp tác chính thức với Wechat và Alipay triển khai dịch vụ thanh toán thông qua ví điện tử VIMO. VI MÔ đã hỗ trợ du khách Trung Quốc có thể thanh toán dễ dàng khi đến tham quan & du lịch tại Việt Nam, đồng thời quản lý được giao dịch, tránh tình trạng thất thu thuế, thất thu ngoại tệ.

Ngày 21/05 này, Nepal đã ban hành lệnh cấm ví điện tử Alipay và WeChat Pay của Trung Quốc giao dịch tại quốc gia này, nhằm đối phó tình trạng thất thoát ngoại tệ từ khách du lịch Trung Quốc. Tại Việt Nam, Trung Quốc cũng là nguồn khách quốc tế lớn và Alipay, WeChat Pay cũng đã có mặt và nguy cơ thất thoát ngoại tệ cũng đang hiện hữu.

Năm ngoái Nepal đón hơn 150.000 khách du lịch Trung Quốc, rất nhiều người trong số này sử dụng ví điện tử để thanh toán tiền cho khách sạn, nhà hàng hay các điểm mua sắm tại Nepal nhưng có chủ đầu tư ở Trung Quốc. Phương thức thanh toán như vậy khiến dòng tiền từ ví điện tử của người mua chạy thẳng vào ví hoặc tài khoản ngân hàng của người bán ngay tại Trung Quốc chứ không về Nepal.

Alipay và WeChat Pay là hai ví điện tử hiện được sử dụng phổ biến nhất tại Trung Quốc, đồng thời nước này hiện cũng là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018 có khoảng 5 triệu lượt khách Trung Quốc tới Việt Nam.

Từ hơn một năm trước, cả Alipay và WeChat Pay đã hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử Việt Nam là Vi mô (Vimo.vn) để cung cấp dịch vụ thanh toán cho du khách Trung Quốc khi đến mua hàng tại Việt Nam. Bởi theo quy định, chỉ có các ví điện tử được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam.

Với việc hợp tác này, du khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ được chấp nhận thanh toán qua ví điện tử Alipay và WeChat Pay tại 4.000 điểm chấp nhận thanh toán qua ví điện tử Vi mô trên cả nước.

Ngoài ra, vào cuối năm 2017, ngay sau khi Jack Ma, ông chủ của tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc là Alibaba, đến Việt Nam tham dự diễn đàn thanh toán điện tử, tập đoàn này đã ký kết một văn bản với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) về việc đưa ví điện tử Alipay vào Việt Nam.

Thông qua hợp tác giữa NAPAS, các ngân hàng và Alipay, các đơn vị bán hàng tại Việt Nam sẽ chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử Alipay cho khách du lịch Trung Quốc khi họ mua sản phẩm, dịch vụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau lễ ký kết này, chưa có hoạt động nào được triển khai.

Như vậy, đến nay Vi mô là đơn vị trung gian thanh toán duy nhất hợp tác triển khai dịch vụ thanh toán cho Alipay và WeChat Pay tại Việt Nam. Theo đó, khi du khách Trung Quốc đến Việt Nam dùng hai ví điện tử này để thanh toán, người bán nhập thông tin đơn hàng và số tiền thanh toán bằng tiền Việt Nam, quét mã để hoàn tất giao dịch.

Vi mô sẽ thông báo cho một trong hai ví điện tử này trừ tiền của khách hàng, rồi ghi có vào ví điện tử Vi mô của người bán tại Việt Nam bằng tiền Việt Nam theo đúng các quy định pháp luật. Đến kỳ đối soát, Alipay và WeChat Pay sẽ chuyển tiền thanh toán về ngân hàng thanh toán của Vi mô tại Việt Nam. Các cửa hàng nhận được tiền thanh toán vào tài khoản ngân hàng tại Việt Nam trong tối đa hai ngày làm việc.

Tuy nhiên, ngoài dịch vụ thanh toán hợp tác với Vi mô, tại một số địa bàn có đông du khách Trung Quốc như Quảng Ninh, Khánh Hòa đã xuất hiện hình thức thanh toán “chui” bất hợp pháp bằng hai ví điện tử này.

Cụ thể, đã có một số doanh nghiệp, chủ cửa hàng tại Việt Nam chấp nhận thanh toán qua một trong hai ví điện tử Alipay và WeChat Pay cho du khách Trung Quốc bằng nhân dân tệ. Như vậy, với hình thức thanh toán chui này, tiền mua hàng sẽ chảy từ ví điện tử của người mua sang thẳng ví điện tử của người bán được đăng ký tại Trung Quốc chứ không về Việt Nam, dẫn đến Nhà nước không quản lý được giao dịch và thất thu thuế, thất thu ngoại tệ.

Những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho rằng, hiện việc thanh toán chui như vậy tại Việt Nam khá nhiều nhưng mới chỉ có ít vụ được khui ra và đưa trên mặt báo.

Theo các chuyên gia, sở dĩ các cửa hàng thích dùng dịch vụ WeChat Pay và Alipay chui là vì: nếu sử dụng dịch vụ hợp pháp, các cửa hàng phải chịu phí thanh toán giao dịch quốc tế (cửa hàng phải trả 1,5% trên tổng chi phí giao dịch cho nhà cung cấp dịch vụ). Còn sử dụng dịch vụ chui thì các cửa hàng chỉ phải trả phí thanh toán nội địa, phí giao dịch phải trả là 0,5% trên tổng chi phí giao dịch trả thẳng cho nhà cung cấp dịch vụ của Trung Quốc.

(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online,)